Các thuật ngữ của bàn phím cơ

Long
Nguyễn Trường Long
9 min readJun 12, 2021

--

Mấy hôm nay mình đang có một hobby mới là build một bàn phím cơ cho mình. Trong quá trình build bàn phím, mình nhận ra cái lĩnh vực này có rất nhiều thuật ngữ lạ mà các bạn mới gia nhập vào sẽ có thể bỡ ngỡ. Nên hôm nay mình sẽ viết ra đây để hy vọng những ai tìm kiếm lời giải thích có thể tìm được câu trả lời cho mình.

Bàn phím Bluetooth có tên Sofle của mình.

Bàn phím cơ là gì?

Bàn phím cơ hay mechanical keyboard hay mechkey là loại bàn phím máy tính có cấu tạo cơ học, truyền tín hiệu từ ngón tay tới phím bấm rồi xuống bo mạch thông qua các switch (công tắc).

Bàn phím thông thường có cấu trúc đơn giãn và sự tiếp xúc giữa phím bấm với bo mạch thường thông qua một lớp gioăng cao su có độ nẫy để đưa phím trở về vị trí cũ sau khi nhấn. Bàn phím cơ thì cấu trúc phức tạp hơn, đắt tiền hơn nhiều, mỗi phím đều có một cơ cấu chuyển động riêng biệt. Cấu trúc phức tạp này khiến cho bàn phím cơ mang lại cho người gõ cảm giác khác biệt, “chất” hơn nhiều so với bàn phím thường. Độ nhạy của phím cũng cao hơn phím thường, do đó game thủ hay chọn bàn phím cơ cho mình. Giá của bàn phím cơ cũng cao hơn nhiều so với bàn phím thường. Một bàn phím cơ có giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng, chưa kể đến các bàn phím độc bản, có độ phím artisan thì sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng là hoàn toàn có thể.

Mình thì thích chơi bàn phím cơ ergonomic (công thái học — đại khái là tốt cho sức khỏe, tránh các bệnh xương khớp), khi nào rảnh rảnh kể các bạn nghe sau.

Cấu trúc của một bàn phím cơ. Nguồn: deskthority wiki

Sau đây là một bản vẽ mô tả cấu trúc chính của bàn phím cơ gồm các phần như hình bên trên:

  • Keycap: là phần mọi người dễ thấy nhất, lớp vỏ bên ngoài của từng phím bấm.
  • Locking plate (hay plate): là phần đệm để giữ yên vị trí của switch trong bàn phím.
  • Switch: phần cốt lõi của một bàn phím cơ, công tắc này ghi nhận các hành động gõ phím của người dùng để truyền xuống bo mạch (PCB).
  • PCB: mạch điện của một bàn phím, xử lý và truyền tín hiệu gõ về máy tính.
  • Back shell (hay case): lớp vỏ ngoài của bàn phím.

Sau đây chúng ta cùng đi tìm hiểu sâu từng phần của bàn phím cơ và giải thích các thuật ngữ của bàn phím cơ luôn nhé.

Keycap là gì?

Keycap là phần vỏ ngoài của từng phím bấm, phía ngoài cùng của một bàn phím. Một mặt bàn phím được bao phủ đến 90% diện tích là của keycap.

Keycap phổ biến nhất thường được làm bằng nhựa PBT hoặc ABS. Keycap là phần mọi người thích tùy biến (custom) nhất vì nó dễ custom và nó lộ ra bên ngoài, thể hiện cá tính của chủ nhân. Nhiều bạn cũng thích tự đúc, tự chế phím keycap để thể hiện cái tôi của mình.

Keycap. Nguồn: https://www.pcgamingrace.com/

Chiều dài của keycap

Chiều dài của keycap được tính bằng unit (u). 1 phím nhỏ nhất như các phím Q, W, E, R, T, Y bình thường được tính là 1u. Thông thường phím space dài nhất, thường 6.25u hoặc 7.25u.

Minh họa chiều dài các keycap. Nguồn hình: Deskthority

Profile keycap là gì?

Profile keycap là các loại keycap được chia ra theo hình dáng, chiều cao, độ nghiêng của keycap.

Các bạn có thể nhìn hình bên dưới để thấy minh họa cho các profile keycap. Các profile keycap nổi tiếng nhất có: Cherry, OEM, SA, MDA, XDA, DSA. Cá nhân mình thích XDA nhất.

Các profile keycap. Nguồn: Ezpc
Keycap XDA. Nguồn: Shopee

Artisan là gì?

Keycap Artisan là keycap nghệ thuật (art), được làm thủ công độc bản bởi các nghệ nhân, hoặc được làm công nghiệp, nhưng kiểu dáng cực kỳ khác lạ, bắt mắt, tạo điểm nhấn cho bàn phím.

Một artisan có giá từ vài chục ngàn cho đến vài triệu tùy loại. Sau đây mình liệt kê một vài minh họa cho artisan keycap:

Keycap Miracle Islands. Giá 939K VND.
Dwarf Factory Terrarium Resin Artisan Keycap. Giá: 44 USD.
Thor Hammer Custom Keycap. Giá: 76.9 USD

Switch là gì?

Switch là trái tim của bàn phím cơ, là công cụ kết nối hành động nhấn của ngón tay xuống bo mạch chủ, để gửi tín hiệu gõ phím đến máy tính. Gọi là switch (công tắc) là vì khi phím được nhấn xuống, switch sẽ bật on kết nối mạch và gửi tín hiệu của phím được nhấn đi, khi được nhả tay ra, switch sẽ bật off và ngắt tín hiệu.

Switch kết nối keycap với bo mạch. Nguồn hình: Das KeyBoard

Các switch khác nhau tạo ra các cảm giác nhấn phím khác nhau. Hiện tại trên thị trường có 3 loại switch chính:

Linear switch

Loại này chuyển động thẳng từ trên xuống trơn tuột, không tạo ra tiếng động, phù hợp với những ai ở một mình, do nó yên tĩnh, không phiền những người xung quanh.

Linear switch. Nguồn: Cherry MX Red.

Tactile switch

Loại này chuyển động từ trên xuống, có đi qua một khấc nhẹ, giúp phản hồi lên ngón tay một phản lực nhẹ. So với linear thì ồn hơn một chút.

Tactile switch. Nguồn: Cherry MX Brown.

Clicky switch

Loại này cấu trúc đặc biệt có hai phần nhỏ, khi phím đi xuống thì nó đánh lên một bộ phận bên trong rồi mới đi xuống tiếp. Tiếng kêu to, tạo ra tiếng click click, lách cách như tiếng gõ máy đánh chữ ngày xưa. Các bạn trẻ nghé thích dùng loại này vì nó thể hiện cá tính.

Clicky switch. Nguồn: Cherry MX Blue.

Stabilizer là gì? Stab là gì?

Stabilizer (viết tắt stab) là bộ phận giúp ổn định các keycap có độ dài lớn, từ 2u trở lên. Vì mỗi keycap chỉ kết nối với một switch, nên các keycap có độ dài lớn cần các thanh stab đỡ để không bị chông chênh.

Một thanh stab đỡ phím 2u. Nguồn hình: Deskthority.
Các thanh stab cho các phím dài. Nguồn hình: Amazone.com.uk

Plate là gì?

Plate hay locking plate là bộ phận nằm giữa bo mạch và switch, có nhiệm vụ giữ vị trí cố định cho từng switch và giảm áp lực tác động của switch lên bo mạch.

Plate thường làm bằng foam, nhựa, hoặc kim loại đúc nguyên khối liền mạch với case (shell). Cũng có loại bàn phím cơ không có plate và switch sẽ được cố định lên bo PCB.

Một tấm plate riêng biệt. Nguồn hình: Geekhack.
Plate bằng nhôm đúc nguyên khối với case (hình trên) và bo mạch BCB (hình dưới). Nguồn: YDMK Wings.

PCB là gì?

PCB là từ viết tắt của Printed Circuit Board, là một bảng bo mạch điện tử có nhiều thành phần chân, mạch, thành phần kết nối với nhau trên cùng một bảng, có nhiệm vụ xử lý và truyền các tín hiệu gõ phím đến máy tính.

PCB hiện nay có hai loại là PCB thường và PCB hotswap. PCB thường là PCB mà switch sẽ được gắn lên nó cố định bằng cách hàn chết (solder), không thể tách ra được. PCB thường chiếm phần lớn số lượng PCB của bàn phím, khoảng 80% số PCB có trên thị trường là PCB thường. Nhưng việc hàn chết switch lên bo mạch là một nhược điểm của thú chơi bàn phím cơ, đó là lý do PCB hotswap ra đời.

Mặt sau của một PCB thường. Sau khi gắn switch lên PCB, người ta hàn cố định các chân của switch lên PCB. Nguồn: Cherry MX.

Hotswap là gì?

Hotswap (hay swappable hay hot-swappable) là loại PCB có thể dễ dàng thay thế các switch chỉ bằng cách rút switch ra cắm lại mà không cần hàn cố định như PCB thường.

PCB hotswap đang chiếm một phần nhỏ của PCB nhưng thị trường đang tăng lên từng ngày do sự tiện dụng của nó. PCB hotswap ra đời để phục vụ nhu cầu thay thế các loại switch khác nhau của người chơi. Như đã nói ở trên, mỗi switch mang lại những trải nghiệm khác nhau khi gõ, nên người chơi sẽ có mong muốn thử nhiều loại switch khác nhau đến từ nhiều hãng. Nếu chỉ dùng PCB thường thì mỗi khi thay switch thì phải thay luôn PCB, rất phí phạm và tốn tiền. Do đó, nếu dùng PCB hotswap, mỗi lần đổi switch sẽ chỉ cần rút switch cũ ra và cắm switch mới vào là xong, cực dễ dàng.

Giá của PCB hotswap chỉ cao hơn PCB thường một chút, nhưng chưa có nhiều hãng hỗ trợ cho loại này do chi phí sản xuất đắt đỏ, và nhu cầu thị trường chưa thực sự bùng nổ. Nhưng mình tin rằng loại này sẽ thống lĩnh thị trường trong thời gian tới, và PCB thường sẽ gần như biến mất.

Mặt sau của PCB hotswap (trên) và PCB thường chưa hàn (dưới). Nguồn hình: Reddit.

Underglow là gì?

Underglow là đèn gầm của các bàn phím, đây là một trong những thứ mà các bạn trẻ thích chơi do nó thể hiện cá tính của mình.

Đèn gầm của bàn phím thường đi chung với các case mica trong suốt, hoặc không có case. Hãy phân biệt đèn gầm và đèn led (backlit) của bàn phím. Đèn led backlit là đèn chiếu lên phía trên phím, cũng có thể có nhiều màu lấp lánh khác nhau, nhằm mục đích soi rõ ký tự phía trên của phím cũng như trang trí.

Đèn gầm tung tóe. Nguồn hình: Pinterest.

Brass weight là gì?

Brass weight có nghĩa là một bàn phím cơ được gia cố thêm một miếng đồng thau, hoặc kim loại nặng khác, giúp bàn phím đầm chắc, khó xê dịch, cũng như có thể trang trí thêm cho mặt sau của case bàn phím.

Hình minh họa brass weight. Nguồn hình: Internet (có thể có bản quyền)

Thường giá của một miếng brass có thể từ vài triệu đến vài chục triệu tùy theo khối lương, và mức độ thiết kế tinh xảo của nó. Thời gian gần đây, brass weight không chỉ dừng lại ở việc gia cố khối lượng của bàn phím mà còn là chỗ để chủ nhân bàn phím thể hiện cá tính của mình thông qua thiết kế chất lừ, bắt mắt.

Trên đây là một số khái niệm sơ bộ mà mình đã góp nhặt giải thích, hy vọng các newbie gia nhập vào con đường nghiện ngập mai thúy nhựa này sẽ nhanh chóng tiếp cận với ngành và lôi kéo thêm nhiều con nghiện ngập khác cùng gia nhập. Hãy nhớ đây là một thú chơi tốn kém, hại thận.

Một số link cho anh em tham khảo:

Chúc các anh hùng bàn phím sức khỏe. Mọi ý kiến đóng góp xin để lại ở comment. Thoải mái đăng lại bài này ở trang khác nhưng xin vui lòng dẫn link bài viết gốc ở lonnguyen.site. Cảm ơn. ❤ Long Nguyễn ❤

--

--

A tech-savvy with an ambitious mind and a passionate heart. A travel, movie, music, art, literature, poem lover. A cat addict.